Vô Vi cổ tự là ngôi chùa đẹp cổ kính, nằm chênh vênh giữa trời đất, khiến du khách có cảm giác lạc vào cõi mơ.
Chùa Vô Vi nằm trên đỉnh ngọn núi Vô Vi thuộc thôn Long Châu, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 20km. Tương truyền, đây là một ngôi chùa cổ có từ năm 968.
Con đường dẫn tới chùa Vô Vi rợp bóng cây xanh, cách chùa Trầm cưa tới 1 km. Ảnh: Khắc Thúy
Con đường dẫn tới chùa Vô Vi rợp bóng cây xanh, cách chùa Trầm chưa tới 1 km. Ảnh: Khắc Thúy
Thời Tiền Lê (980 - 1009), chùa có tên Phúc Trù tự, xây dựng dưới chân núi Trạo. Sang thời nhà Trần, chùa có tên là Trai Tinh tự, được xây ở lưng chừng núi. Đến thời Hậu Lê, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514), ngôi chùa đổi tên lại như thời Đinh là Vô Vi tự và dời lên gần đỉnh núi.
Theo ghi chép lịch sử, vị tướng Trần Văn Tăng vốn xuất gia từ nhỏ, khi đã dẹp yên thù trong giặc ngoài, quyết tâm lên núi Vô Vi dựng chùa ở ẩn. Ông đặt tên chùa là Vô Vi, với tinh thần và ý nghĩa được biểu hiện trong bài thơ "Trùng phỏng Vô Vi tự" do chính ông sáng tác, khắc trên đá.
Trải qua thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời gian, sau nhiều lần trùng tu, cho đến nay ngôi chùa vẫn giữ được nét đơn sơ, cổ kính. Ngày thường, ngôi chùa không đón đông người lui tới, không gian tuyệt đối trầm mặc, tĩnh lặng.
Cổng chùa nằm nép mình dưới chân núi Vô Vi. Ảnh: Khắc Thúy
Vô Vi tự có diện tích khá khiêm tốn, chỉ rộng khoảng 10m2. Xung quanh chùa, những hàng cây hoa đại cổ thụ, thâm niên tuổi đời tỏa bóng mát che khuất cả ngôi chùa nhỏ.
Bước vào cổng chùa đề ba chữ Hán "Vô Vi tự", du khách sẽ thấy một con đường nhỏ, gồm vài trăm bậc thang làm từ đá tảng. Con đường càng lên cao càng hẹp và dốc hơn, dẫn du khách đến tiền đường, nhà mẫu, rồi chính điện…
Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi, dẫn tới lầu Nghênh Phong, nơi thiền tịnh của các vị sư. Tại lầu Nghênh Phong có treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814.
Từ lầu Nghênh Phong, muốn lên tới đỉnh cao nhất của ngọn núi Vô Vi, du khách phải leo khoảng hai chục bậc đá dựng đứng, chui qua kẽ đá hẹp để lên tới đỉnh. Đứng ở nơi cao nhất của đỉnh núi Vô Vi, phật tử vãn cảnh chùa sẽ được chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh thiên nhiên bình dị, nhìn ngắm đất trời mênh mông, rộng lớn.